Vì sao bão chưa vào, miền Bắc đã hứng mưa dông dữ dội?

Các ổ mây dông ở rìa xa phía tây cơn bão là nguyên nhân gây ra mưa lớn, gió giật mạnh ở miền Bắc trong chiều nay (19/7) dù tâm bão đang cách xa cả nghìn km.

Vào 16h chiều nay (19/7), tâm bão trên vùng biển phía đông bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách xa đất liền Việt Nam khoảng hơn 1000km với cường độ gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Tuy nhiên, trong chiều nay, gần như toàn bộ khu vực Đông Bắc Bộ của miền Bắc đã hứng chịu một trận mưa dông dữ dội không khác gì bão đổ bộ. Nhiều nơi xuất hiện gió giật mạnh kèm lốc sét, mưa đá.

Thủ đô Hà Nội cũng xảy ra một đợt mưa dông dữ dội từ giữa chiều nay khiến nhiều bảng quảng cáo, mái tôn bị tốc bay, cây xanh gãy đổ, mưa lớn trút xuống.

Vì sao bão chưa vào, miền Bắc đã hứng mưa dông dữ dội?- Ảnh 1.

Hà Nội đón mưa dông dữ dội trong chiều nay.

Lý giải về nguyên nhân đợt mưa dông này, Cục Khí tượng Thuỷ văn chia sẻ, các nghiên cứu của Mỹ về dông, lốc sét trong bão cho thấy chỉ quan sát được số lượng rất ít các tia chớp ở lõi trong của bão, áp thấp nhiệt đới. Nhân tố quyết định sự phát triển dông sét là nhờ sự tương tác giữa các tinh thể băng có trong nước lỏng. Do đó thường xuất hiện sấm, chớp hay các ổ dông lốc ở bên ngoài khu vực tâm bão (trên 100km) do có sự kết hợp với các dải mưa đối lưu mạnh.

Vì vậy, trong thời gian có cảnh báo bão/áp thấp nhiệt đới cần chú ý đề phòng sự xuất hiện của dông, lốc sét sớm để phòng chống giảm nhẹ rủi ro bất ngờ.

Mưa gió tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội trong chiều 19/7.

Những nhận định trong chiều nay cho thấy, bão Wipha di chuyển nhanh trong đêm nay và ngày mai theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km/h và có khả năng mạnh thêm.

Đến 16h chiều mai (20/7), bão trên vùng biển phía bắc của Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 370 km về phía đông. Đây là thời điểm bão có thể đạt cường độ mạnh nhất với sức gió vùng gần tâm bão cấp 11- 12, giật cấp 15.

Sau khi vào bán đảo Lôi Châu, bão đổi hướng tây tây nam đi vào vịnh Bắc Bộ. Do ma sát với đất liền Trung Quốc, bão có dấu hiệu suy yếu và đi chậm lại với tốc độ khoảng 15-20km.

Đến 16h chiều 21/7, tâm bão trên vùng biển phía đông khu vực bắc vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10- 11, giật cấp 13.

Bão sau đó tiếp tục di chuyển chậm lại theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 10-15km/h, đi vào đất liền nước ta khoảng ngày 22/7 và tiếp tục giảm cấp. Đến 16h ngày 22/7, tâm bão trên đất liền đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Vì sao bão chưa vào, miền Bắc đã hứng mưa dông dữ dội?- Ảnh 2.

Dự báo về đường đi của bão Wipha.

Trong đêm 22/7, bão tiếp tục di chuyển chậm theo hướng tây tây nam, đi sâu vào đất liền và tan dần trên khu vực biên giới Việt – Lào.

Dự báo từ khoảng chiều 21/7 đến ngày 23/7, do ảnh hưởng của bão Wipha, miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Trọng tâm mưa là khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An, lượng mưa có thể từ 200-350mm, có nơi trên 600mm.

Từ khoảng ngày 20-21/7, các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và mưa lớn.

Khoảng gần sáng và ngày 22/7 vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh-Thanh Hóa sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mạnh, mưa lớn và nước dâng với gió mạnh cấp 7-9, sóng biển cao 3-5m.

Cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo, các ổ mây dông rìa tây và nam của cơn bão có thể gây ra các hiện tượng thời tiết xấu cho miền Bắc trước khi bão vào như mưa lớn và dông lốc.