Việt Nam có siêu dự án hơn 57.000 tỷ, "khó" cỡ nào mà chỉ một liên danh nhà thầu tham gia?

Siêu dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 57.000 tỷ đồng.

Việt Nam có siêu dự án hơn 57.000 tỷ, "khó" cỡ nào mà chỉ một liên danh nhà thầu tham gia?- Ảnh 1.

Phối cảnh 3D của Cảng tổng hợp Cà Ná.

Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đã mở thầu dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Cà Ná, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 57.000 tỷ đồng. Đây cũng được coi là một trong những dự án năng lượng quan trọng và có quy mô lớn nhất ở khu vực Nam Trung Bộ. Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Cà Ná được đầu tư để cụ thể hóa Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thế nhưng, sau gần 3 tháng phát hành hồ sơ mời thầu dự án, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đến nay chỉ ghi nhận một nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự thầu. Nhà đầu tư này là liên danh Trung Nam - Sideros River , có trụ sở tại phường Diên Hồng, TP HCM, với giá chào thầu 3.294,22 đồng/kWh (tương đương với 12,83 cent/kWh điện).

Về hình thức bảo đảm dự thầu, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - Chi nhánh Sở giao dịch 2 đã cung cấp bảo lãnh trị giá gần 574 tỷ đồng, có hiệu lực trong 180 ngày, kể từ ngày đóng thầu.

Vì sao có ít nhà thầu tham gia siêu dự án hơn 57.000 tỷ đồng?

Việt Nam có siêu dự án hơn 57.000 tỷ, "khó" cỡ nào mà chỉ một liên danh nhà thầu tham gia?- Ảnh 2.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Ná có tổng vốn đầu tư hơn 57.000 tỷ đồng. Ảnh: Portcoast

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, Nhà máy nhiệt điện LNG Cà Ná là dự án quy mô lớn và có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên và tuân thủ các quy định pháp lý nghiêm ngặt. Vì vậy, việc tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi khiến quá trình mời thầu trở nên phức tạp hơn, với các yêu cầu cao về tính minh bạch, quy trình và thủ tục.

Hơn nữa, vì Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm triển khai các dự án LNG tương tự nên việc xác định tiêu chuẩn và yêu cầu phù hợp trong hồ sơ mời thầu cũng gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, sự cạnh tranh từ các dự án LNG khác trong khu vực và trên thế giới cũng được coi là yếu tố khiến dự án khó thu hút nhà đầu tư mạnh.

Trước đó, dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Ná, trước đây do UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 215/QĐ-UBND ngày 14/4, có tổng vốn đầu tư hơn 57.000 tỷ đồng.

Về quy mô và tiến độ dự án, Nhà máy điện khí LNG Cà Ná được quy hoạch với các hạng mục chính, bao gồm 1 nhà máy nhiệt điện tuabin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí LNG, công suất 1.500 MW; hệ thống kho cảng LNG và tái hóa khí, công suất cầu cảng 1 - 1,2 triệu tấn LNG/năm, bao gồm 1 bồn chứa 220.000 m³ và hạ tầng kỹ thuật riêng; 1 bến cảng nhập khí LNG và đê chắn sóng phía Đông dài 2.400 m cùng các công trình phụ trợ.

Dự án này được thực hiện trên diện tích 28,06ha đất liền và 111,7ha mặt nước tại xã Cà Ná, Khánh Hòa.

Thời gian lựa chọn nhà đầu tư kéo dài từ quý I - quý IV/2025. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến diễn ra từ quý I/2026 - quý IV/2026. Nếu đúng theo tiến độ, quyết định đầu tư sẽ được ban hành vào cuối năm 2026.

Việt Nam có siêu dự án hơn 57.000 tỷ, "khó" cỡ nào mà chỉ một liên danh nhà thầu tham gia?- Ảnh 3.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Cà Ná có quy mô lớn nhất ở khu vực Nam Trung Bộ. Ảnh minh họa

Trước đó, vào năm 2021, UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) từng công bố 5 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, bao gồm:

Liên danh Tổng công ty Năng lượng Hanwha - Tổng công ty Khí Hàn Quốc - Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc; Công ty Gulf MP Company Limited; Tập đoàn Jera Company Inc; Liên danh Total Gaz Electricite Holding France - Novatek Gas & Power Asia Pte - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - Siemens Energy AG - CTCP Zarubezhneft; CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam...

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn Liên danh Trung Nam - Sideros River chính thức tham gia đấu thầu dự án này.

Quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với cơ quan chức năng gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là chưa thống nhất được giá điện, nguồn cung và các điều khoản kỹ thuật, nên khiến các nhà đầu tư chưa thể thu xếp đủ vốn để triển khai dự án.

Ngoài ra, nhiều quy định pháp lý liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu và các thủ tục hành chính khác vẫn còn là lực cản lớn, từ đó góp phần gây ra sự chậm trễ kéo dài đối với dự án điện khí LNG Cà Ná.

Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Khánh Hòa mới, với diện tích 8.555,86 km2 và dân số hơn 2,24 triệu người. Sau sắp xếp, tỉnh Khánh Hòa có 65 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 48 xã, 16 phường, 1 đặc khu), giảm 129 đơn vị hành chính cấp xã.